Bộ Y tế nói gì về thông tin vaccine AstraZeneca có thể gây đông máu?

Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những phản hồi tới báo chí về thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS).

Theo đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc  vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 có thể gây tác dụng phụ dẫn đến đông máu là điều đã được cảnh báo từ trước.

Do đó, ngay từ khi triển khai tiêm vaccine Covid -19, Bộ Y tế rất thận trọng, đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm. Sau đó, cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vắc xin không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ. Từ chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai rộng hơn.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, hiện nay, phần lớn người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.

Theo R Ganga Ketkar, nhà cựu khoa học của Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR), người có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế phòng chống dịch Covid-19 của Ấn Độ, các triệu chứng của đông máu kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) thường chỉ có thể xảy ra trong cơ thể từ 5 đến 30 ngày sau khi tiêm vaccine.

Nói cách khác, những người đã khỏe mạnh sau 1 tháng kể từ khi tiêm vaccine hầu như đều có thể tránh được rủi ro này.

"Lợi ích của vaccine lớn hơn rủi ro", ông Ketkar cho biết trong một phỏng vấn với tờ Economic Times. "Mọi người không nên lo lắng quá mức, vì số ca mắc rất hiếm và TTS chỉ phát triển trong vòng 5-30 ngày sau khi tiêm vaccine".

vaccine-covid

Được biết, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine Covid-19 là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Trước đó vào năm 2021, theo văn bản số 1215/ QLD-KD về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy Đăng kí lưu hành để dáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch Covid-19 do Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) kí ban hành, Cục Quản lí Dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Tên vaccine: Covid-19 Vaccine AstraZeneca. Nhà sản xuất: SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc

Theo quyết định này, vaccine được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vaccine ngày 1-2 của bộ trưởng Bộ Y tế. Văn bản cũng nêu rõ, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu để đảm bảo việc sử dụng vaccine đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, theo đúng cam kết. AstraZeneca phải thực hiện đúng các quy đinh hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định có liên quan.

Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.

Theo Sở hữu Trí tuệ
ĐỒNG HÀNH