TP.HCM tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

Sáng 31-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết HKI năm học 2023-2024 với giáo dục tiểu học.


Ông Nguyễn Bảo Quốc- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024, TP.HCM có 550 trường tiểu học, tăng 33 trường so với năm học trước, với tổng số học sinh là 635.982 em, giảm gần 27.000 học sinh.

Tổng số trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 536 trường, tỷ lệ 92,7%, tăng hơn 10% so với năm học 2022-2023. Số lớp học được học 2 buổi/ngày là 82,6%; Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 78,7%, tăng gần 4%. Sĩ số học sinh bình quân là 36,8 học sinh/lớp, với tỷ lệ 0,96 phòng học/lớp.

Đến thời điểm này, toàn thành phố có 36 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tăng 4 trường so với năm học trước; 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 16 trường thực hiện mô hình trường chất lượng cao “tiên tiến hội nhập quốc tế”. Toàn thành phố có 25 trường thực hiện mô hình thư viện thông minh.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2023-2024, 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đáp ứng việc giảng dạy tin học theo Chương trình GDPT 2018; 100% học sinh lớp 3, 4 học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.


TP.HCM tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

Các trường tiểu học xây dựng thời khóa biểu phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi HS tiểu học.

Năm học 2023-2024, các trường đã chủ động thực hiện các bài học STEM ở tất cả các khối lớp trong HKI với 22.710 tiết; Một số trường triển khai hoạt động trải nghiệm STEM, làm quen STEM nghiên cứu khoa học kỹ thuật trên tinh thần tự nguyện.

Theo ông Hoàng, năm học này giáo dục tiểu học thành phố tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trong giáo dục kỹ năng công dân số. Các trường sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến K12Online, thực hiện số hóa học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng, bài học trực tuyến bám sát lộ trình triển khai thực hiện CT GDPT 2018; Thực hiện đưa nội dung giáo dục kĩ năng công dân số vào giảng dạy ở cấp tiểu học thông qua dạy học môn tin học, toán, tự nhiên và xã hội, công nghệ và đạo đức; tích hợp giáo dục kĩ năng công dân số thông qua tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Mặc dù vậy, ông Hoàng đánh giá, năm học 2023-2024, giáo dục tiểu học TP.HCM vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp; tình trạng thiếu giáo viên nhiều môn, bộ môn nên trường phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy các lớp; Tỉ lệ 2 buổi/ngày chưa đảm bảo 100%; Một số giáo viên lớn tuổi, còn hạn chế về việc dùng CNTT nên việc sử dụng một số ứng dụng CNTT vào dạy học chưa hiệu quả…

Nâng cao chất lượng giáo dục với “Lớp học mở”

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, năm học 2023-2024, mô hình Trường học xanh, lớp học mở được TP.HCM triển khai đa dạng ở các trường tiểu học, không chỉ còn dừng lại ở tiết học Open house với môn tiếng Anh mà được mở rộng ra các môn học và hoạt đông giáo dục khác. Tổng số tiết học mở đã được thực hiện trong HKI là 3.138 tiết. Tổng số tiết Open house môn tiếng Anh là 920 tiết. Một số trường đã kết hợp tiết học mở cùng phụ huynh kiểm tra các bếp ăn, tham quan giờ ăn trưa của con em tại trường.

Ông Hoàng đánh giá, việc được tham dự tiết học mở cùng các con giúp phụ huynh hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018 và phương pháp giảng dạy của giáo viên, tận mắt nhìn thấy sự tương tác của các con và các bạn cùng lớp để qua đó hỗ trợ việc học hành của các con tại nhà.


Năm học 2023-2024, các tiết học mở bậc tiểu học nhận được sự đồng hành của đông đảo phụ huynh

Chia sẻ thêm về mô hình lớp học mở được thực hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận năm học 2023-2024, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cho biết, quận xác định mục tiêu của lớp học mở là nhằm công khai chất lượng giáo dục đến phụ huynh để có sự đồng hành. Tiêu chí của lớp học mở luôn hướng đến hạnh phúc của học sinh, cha mẹ học sinh. Trong HKI, 100% trường tiểu học công lập đã tổ chức ít nhất 1 mô hình/ hoạt động giáo dục có sự tham gia đồng hành của phụ huynh.

Theo bà Châu, giai đoạn đầu giáo viên còn tâm lý e dè khi có phụ huynh tham gia trong tiết dạy. Đặc biệt, địa bàn quận là khu vực vùng ven, chịu áp lực lớn về tăng dân số cơ học, số phòng học chưa đảm bảo, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp, việc sắp xếp tổ chức 1 tiết học, mô hình có sự tham gia của phụ huynh là bài toán khó của các trường khi đa phần trường đều dạy trên 5 buổi/tuần.

“Giải pháp được quận đưa ra là các trường xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện đơn vị. Giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh để phụ huynh hiểu khi tham gia cùng tiết học. Nhiều trường đã kết hợp cùng lúc nhiều hoạt động khi mời phụ huynh đến trường như tham gia vào tiết học, cùng tham gia hoạt động giáo dục, cùng ăn bán trú với con… Phụ huynh có thể tham gia 1 hoạt động hoặc xuyên suốt hoạt động, trường ghi lại ý kiến để việc tổ chức hiệu quả hơn” - bà Châu thông tin.

Đại diện Phòng GD-ĐT Q.12 nhìn nhận, thực tế sau quá trình thực hiện, nhiều phụ huynh lớp học 1 buổi đã bày tỏ sự đồng hành, cảm nhận rõ sự hào hứng của con. “Mô hình lớp học mở có thể được xem là phương pháp dạy học mới của giáo viên nhiều môn bậc tiểu học. Phòng giáo dục xác định đây là cách để phụ huynh đồng hành” - bà Châu phấn khởi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, HKI năm học 2023-2024 các trường tiểu học đã có thay đổi mạnh mẽ trong kiểm tra đánh giá, thực hiện tốt mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Trong HKII, ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo hướng đi sâu, đi đúng, đồng thời rà soát về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo điều kiện thực hiện Chương trình mới. Trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá cần từng bước, không nóng vội…

Cạnh đó, ông yêu cầu các phòng giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo chuyên môn các nhà trường, không bỏ sót đơn vị nào kể cả các trường quốc tế, làm sao lan toả đến từng thầy cô trong nhà trường.

Về phía hiệu trưởng nhà trường, cần tăng cường công tác truyền thông, lắng nghe giáo viên, phụ huynh, học sinh để trao đổi tìm sự đồng thuận, thực hiện đúng quy định Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Giáo dục Online
ĐỒNG HÀNH