Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đẩy lùi hàng giả hàng nhái

Hiện nay, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là "hàng rào" bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp.

 Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nở rộ tại Việt Nam, tạo thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng nhưng kéo theo đó, nạn hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp. Thậm chí, đơn vị này thường xuyên nhận được phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của doanh nghiệp bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok...

Mặc dù đã có các chế tài xử lý, tuy nhiên, dựa trên các số liệu từ cơ quan chức năng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm hàng giả, hàng nhái cho thấy, vấn nạn này đang có xu hướng tăng mạnh và việc xử phạt được người tiêu dùng ví như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nêu quan điểm về nội dung này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện, tuy nhiên khiếu nại vẫn gia tăng điều đó cho thấy việc sửa đổi luật chưa theo kịp được những diễn biến thực tế.

truy xuat nguon goc
 

Theo ông Phú, để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bởi, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, mà còn là "hàng rào" bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ quản lý, kiểm soát thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Theo các chuyên gia, việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của Việt Nam.

Trước đó, tại Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế - bảo vệ thương hiệu - bảo vệ người tiêu dùng năm 2024 được Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 26/4, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho biết, thị trường vẫn còn các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh với tình trạng hàng giả, hàng nhái, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Huân nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Theo Sở hữu Trí tuệ
ĐỒNG HÀNH