Thế hệ doanh nhân hướng đến phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nhân là người sáng lập, đứng đầu doanh nghiệp đã đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Đồng thời gắn mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội, bảo vệ môi trường và mang lợi ích đến cho cộng đồng. Phát triển bền vững, chuyển đổi xanh tập trung vào hai nhiệm vụ chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng mới và sạch vào sản xuất, kinh doanh; tạo ra các dòng sản phẩm, máy móc công nghệ thân thiện với môi trường. Cách tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển mạnh không chỉ trên thế giới mà cả thị trường trong nước.

Thời gian qua nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững đã có sự thay đổi rõ rệt. Bắt kịp xu thế ấy, Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình đã cho ra đời nhiều sản phẩm bao bì nhựa thân thiện với môi trường. Chị Ngô Thị Mỹ Duyên phụ trách mảng kinh doanh bao bì nhựa thuộc công ty thông tin rằng: “Hiện nay Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình có 4 công ty con và trong đó có công ty Alta Plastic sản xuất về bao bì nhựa phân hủy. Đồng thời, công ty cũng cho ra đời dòng máy tái chế, thu hồi chai nhựa và lon nước giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại các trung tâm thương mại lớn như: Aeon Mall, Vincom Mega Mall, Gigamall”. Các dòng sản phẩm bao bì chất lượng, độc đáo làm từ tinh bột do công ty sản xuất truyền tải thông điệp sống xanh đến người tiêu dùng nói chung và người dân thành phố nói riêng.

Nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường Alta Plastic đã sáng tạo nên trạm tái sinh lon, chai nhựa

Không chỉ các doanh nghiệp lớn với những khoản chi “khủng” cho phát triển xanh. Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình bền vững. Chẳng hạn như Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS sáng chế máy móc, trang thiết bị trên lĩnh vực nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt.  Máy sấy công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời là một sản phẩm điển hình do công ty sáng chế.. “ Chúng tôi biến ánh nắng mặt trời thành nhiệt để cung cấp cho hệ thống sấy. Đây là điểm đặc biệt giúp tiết kiệm điện đến 90%. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm này còn mang đến nhiều tiện ích khác như: sấy nguyên liệu khô đồng đều, nhanh, sạch; giữ được dinh dưỡng, màu sắc, hình thể; giao diện dễ sử dụng, chi phí đầu tư thấp. Đồng thời,  Máy có thể sấy được tất cả các sản phẩm nông nghiệp từ thủy hải sản, trái cây, rau củ quả đến các loại thịt, thực phẩm, dược liệu và cả những phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm đã áp dụng thành công cho tất cả các ngành sản xuất nông nghiệp, thực phẩm trên khắp cả nước”., ThS. Kỹ thuật Phan Văn Hiệp - Giảng viên trường Đại học Văn Hiến kiêm Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Thông minh ITS cho biết..

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS sáng chế dòng sản phẩm máy sấy công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt. 

Hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Công ty TNHH Công nghệ Văn hóa Dybi cho ra đời ứng dụng S Gallerry thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch, văn hóa. Ứng dụng công nghệ số vào các ấn phẩm truyền thông đính kèm trong không gian showroom giả lập trực tuyến. Dù ở không gian, thời gian, khoảng cách địa lý nào khách hàng điều có thể khám phá, trải nghiệm qua không gian trực tuyến một cách sống động, hấp dẫn, thú vị. Giúp sản phẩm tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp, địa phương. “Công ty Công nghệ Văn hóa Dybi của chúng tôi hướng đến ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa Việt Nam. Với tôi văn hóa có hai góc độ để nhìn nhận. Một là văn hóa lối sống của thế hệ hiện tại về cách ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày. Hai là ý thức kế thừa những di sản, câu chuyện thế hệ đi trước gửi lại cho thế hệ sau. Chúng tôi hướng đến chuyển đổi số văn hóa bởi vì trong thời đại hiện nay, Việt Nam đang hội nhập và đi theo những công ước quốc tế. Nên mọi người cần biết được làm sao để phát triển cách sinh hoạt gắn bó với môi trường, thiên nhiên, hướng đến sự phát triển bền vững”, chị Trần Ngọc Nguyệt Quế - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Văn hóa Dybi chia sẻ.

Dybi ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản và hướng đến sự phát triển bền vững.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nắm bắt xu thế ấy, Tập đoàn Đôi Dép - Tập đoàn chuyên về dịch vụ du lịch và hàng tiêu dùng nhanh tại Lâm Đồng đã tiên phong trong việc chuyển đổi xanh. Liên quan đến việc “xanh hóa” hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, anh Nguyễn Chí Thành – Quản lý kinh doanh tại Tập đoàn Đôi Dép chia sẻ: “Hiện tại mảng du lịch thuộc Tập đoàn phát triển theo hệ sinh thái, chú trọng du lịch xanh và tiến tới bảo vệ môi trường. Đồng thời, Tập đoàn đẩy mạnh việc giảm phát thải ra môi trường, trồng cây gây rừng. Cụ thể, tại khu resort Prenn (TP. Đà Lạt), chúng tôi trồng thêm cây thông để tạo mảng xanh. Quý khách hàng đến đây, có thể lưu trú, hòa mình vào không gian trong lành của thiên nhiên. Phát triển du lịch xanh và bền vững là những giá trị cốt lõi chúng tôi đang hướng tới”.

Tập đoàn Đôi Dép chuyên về dịch vụ du lịch và hàng tiêu dùng nhanh tiên phong trong việc chuyển đổi xanh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiêu biểu như mô hình phát triển tuần hoàn. Với việc xây dựng mô hình kinh tế xanh, sạch, kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu,… HTX Tam Nông Việt Nam đang làm tốt vai trò hỗ trợ các thành viên trong hoạt động sản xuất từ đó thúc đẩy tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) phát triển. Chị Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc HTX Tam Nông Việt Nam cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững tại HTX. Chúng tôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong nhà kính, sử dụng quy trình thiên địch. Sản xuất và sử dụng dịch vi sinh ủ từ rau củ quả lên men hữu cơ để cải tạo đất và trừ các bệnh về nấm. Những sản phẩm chúng tôi trồng như rau cải, cà chua bi,… đã đạt được chứng chỉ Organic USDA”.   

Những sản phẩm HTX Tam Nông Việt Nam trồng như rau cải, cà chua bi,… đều đạt được chứng chỉ Organic USDA

Câu chuyện về chuyển đổi xanh của những doanh nghiệp nói trên cho thấy một thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam đã vượt qua thách thức, chuyển mình để bắt kịp xu thế toàn cầu. Việc xây dựng mô hình phát triển bền vững không nằm ngoài tầm tay của doanh nghiệp dù là quy mô lớn hay nhỏ. Tất cả các ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch, hàng hóa, dịch vụ hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình sản xuất xanh. Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh sẽ giúp nhiều doanh nhân dẫn dắt doanh nghiệp mình đến thành công. Bởi vận hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.

Ngọc Trâm
ĐỒNG HÀNH